Sunday, August 14, 2011

Vu Lan Nhớ Bố

Bố ,


Vu Lan Bồn là mùa Báo Hiếu … và người ta thường nhắc về Mẹ hơn là về Cha

… nhưng 21 năm trước đây Bố đã cao đăng Phật Độ Quốc đúng ngày Rằm tháng Bảy !!!

Đối với con , Bố là người quá ít nói dẫu rằng luôn mỉm cười ngoại trừ những lúc Bố nghiêm mặt vì chúng con phạm lỗi gì đó . “Thái độ” đó của Bố có lẽ do Bố sinh ra trong một gia đình quá nghiêm khắc .

Nhưng những việc làm âm thầm của Bó luôn là kim chỉ nam cho cuộc đời con .

Bố là con trai duy nhất một Thẩm phán ở Hải Phòng nên đã được Ông nội gửi nội trú với các Linh Mục Giòng Tên bên Pháp , nói là để tránh có thể bị bọn lính viễn đông Sénégalais bắt cóc bán cũng như tránh bọn gian bắt cóc để làm áp lực với Ông nội trong các vụ án . Nhưng thực tế là vì Ông nội từng làm thầy Thông cho Vua Khải Định trong chuyến Ngài đi Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille , nên Ông nội hiểu rằng muốn chống họ thì phải hiểu họ một cách triệt để .

Sau 16 năm trường từ lớp 6 cho đến ngày Bố về nước trong quân phục Trung-úy Quân Y Sĩ Pháp thì Ông Nội đã là Tam Phẩm , Quan Lộc tự Khanh , Chánh án Hải-Phòng .

Lập gia đình khi mới hồi hương để nối dõi tông đường , Bố đã xin giải ngũ , viện cớ là con trai duy nhất , nhưng trên thực tế là để đóng góp vào công việc cách mạng chống Pháp qua việc lập trường chống nạn mù chữ và trường “ y tá ” cứu thương ngay trong đồn điền Tĩnh Hải của gia đình .

Nạn đói năm Ât Dậu nhân một buổi đạp xe đạp ra làng đến trường day học , Bố đã dừng xe cho tiền một đứa trẻ đang mò tôm trong cái lạch bên đường … nhưng khi chiều về thì bé này nằm vật bên đường , hai hàm răng kẹp một con tép .. bàn tay còn nắm chặt đồng bạc … bé đã chết trước khi mua được miếng ăn !

Về đến đồn điền Bố đã thưa việc này với Ông nội và ngỏ ý xin phát chẩn cho người cơ nhỡ cùng chôn cất những xác chết vô thừa nhận… Ông nội đã dạy “đồn điền này , cơ ngơi này nay là của cậu mợ , mọi việc tùy cậu mợ quyết định”. Thế là ngày hôm sau Bố Mẹ đã cho lực điền mang các bảng thông báo việc phát chẩn và chỉ dẫn đường đến đồn điền niên yết tại các làng kế cận .

Một nhóm chuyên việc dùng xe bò đi lượm xác chết về chôn trong đồn điền , ban đầu còn có hòm đàng hoàng … sau vì người chết nhiều quá nên chỉ bó vào chiếu mà chôn !!!

Một nhóm thì đào khoai sọ và khoai lang -rửa sạch , để nguyên vỏ- để nấu nhuyễn với cám thành cháo đặc thật bổ dưỡng .  Bắt đầu với 1 nồi “năm mươi” (50 tô “kìm” cháo , ăn đủ no cho 1 lực điền), sau lên đến 4, 5 nồi mỗi ngày .

Những người đến được Mẹ và bốn người giúp việc múc cháo đưa tận tay , đây là lúc để Mẹ có cơ hội giám định tình trạng sức khỏe và nếu thấy cần thì bảo họ đến chỗ Bố “làm việc” để Bố chẩn bệnh và cho thuốc .

Vì có một vài người ăn “khỏe” đã xếp hang nhận cháo lần thứ 2 trong 1 ngày và bị người giúp việc nhận ra , Mẹ đã phải khuyên họ không nên tham ăn mà bị bội thực , rồi Bố đã phải cho rào 1 khu đất rộng có nhiều cây xum xuê lá bên hồ sen để họ ngồi ăn , tắm rửa và nghỉ ngơi cho đến khi mọi người ăn xong mới mở cửa cho họ ra về .

Ròng rã gần 3 tháng thì họ đã khỏe và cũng là lúc mùa màng đến phiên thâu gặt thì mới hết người dẫn nhau đến xin ăn nhờ .

Khi Ngài Ngự trở về nhận làm Quốc Trưởng và lập quân đội Quốc Gia thì Bố đã được mời tham gia với tư cách Đại úy Y Sĩ Trưởng Bảo Chính Đoàn Bắc Việt .

Bố đã thanh tra , tiếp thu và hợp thức hóa các đơn vị Tỉnh Đoàn Bảo Chính Đoàn Bắc Việt , hai tỉnh Phát Diệm và Ninh Bình phối hợp từ các lực lượng dân quân và người Việt đi lính Pháp .

Cũng trong thời gian này anh Đông , Chánh Án Saigon gửi thơ nhờ Bố Mẹ giúp phái đoàn Cao Đài truyền bá Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra Bắc . Bố Mẹ đã hoan hỹ cúng dường 5 mẫu đất đầu cầu và vật liệu để họ xây dựng Tòa Thánh Cao Đài đầu tiên ở miền Bắc , cùng thực phẩm lương khô và nông cụ để họ sống cho tới vụ gặt lúa đầu .

Nghe đâu Thánh Thất đã bị phá huỷ hoàn toàn sau 1954 , các tín đồ sống chết ra sao không ai biết .

Phải công nhận Đạo Cao Đài thật trọng ân nghĩa ; khi gia đinh vào đến sân bay Tân Sơn Nhứt thì đã có 1 Trung đội quân đội Cao Đài được phái tới để bảo vệ chúng ta .  Thì ra vị chức sắc ở ngoài Bắc đã viết thư bảo trước , và họ đã chờ gia đình chúng ta hằng tuần rồi .  Bố đã phải cảm ơn họ , cho họ biết là đã có gia đình anh Đông là Chánh Án Saigon lo rồi thì họ mới chịu ra về .

Vào Nam, tuy mất hết tài sản; nhưng Bố được Ngài Ngự bổ nhiệm làm Quân Y Trưởng Ngự Lâm Quân, cũng như ký giấy cấp đứt căn Villa Margot trên Dalat cho gia đình.  Chúng con đi học ở Petit Lycée.  Mọi việc coi như tạm yên cho đến ngày Ngô Đình Diệm và bè lũ truất phế Ngài Ngự trong 1 cuôc “trưng cầu dân ý” đầy gian lận (605,025 phiếu cho y ở Saigon, trong khi tại đây chỉ có 450,000 cử trị!), và đòi giáng cấp những người thân của cựu Hoàng .  Bố không chịu và xin giải ngủ thi "được" NĐD chấp nhận hai tay ; và bọn chúng đầy Bố lên hết BMT , PLeiku rồi Kontum do đi đâu Bố cũng được dân tình quý mến và vì Bố theo trường phái Thiên Nhiên [ Homeopath / naturopath ] ít ra toa thuốc mà chỉ hướng dẫn bệnh nhân về thực dưỡng để họ tự trị bệnh và gìn giữ sưc khỏe ….. hằng năm chỉ về Saigon 1 lần , vừa thăm gia đình , vừa lấy vài ngàn viên thuốc -bọn chúng không thể chấm mút- cho nên đến năm 1960 NĐD và bè lũ lại muốn đày Bố đi nơi khỉ ho cò gáy khác .

Bố đã xé lệnh thuyên chuyển và điện thoại về Bộ Y Tế là Bố từ chức , bỏ ngành Y .

Về đến Saigon Bố được các bạn giúp tìm việc làm chuyên viên Nguyên Tử Lực Cuộc [Dalat] , chuyên viên cải thiện giống lúa bằng phóng xạ nguyên tử -Bộ Canh Nông-, Thanh Tra Diệt Trừ Sốt Rét -Bộ Y Tế-, đến Thanh Tra chất lượng sản phẩm từ nông thủy sản -Bộ KinhTế-.

Bố đã nghỉ việc ở Nguyên Tử Lực Cuộc và Bộ Canh-Nông vì không chấp nhận lối làm việc quan liêu , bất công đối với những tài năng không chịu nghe lời Đảng Cần Lao của Ngô Đình Nhu . 

Bố cũng xin nghỉ việc thanh tra ở Bộ Y Tế và Kinh Tế vì không chịu phạt vạ vô lý để ăn hối lộ về chia cho cấp trên . Thế là Bố về hưu non …

Và từ đó Bố đã ngày ngày mặc bộ đồ Bà Ba trắng , vui thú “điền viên” trong cái vườn bằng lỗ mũi của nhà .

Bác PQĐán khi làm Phó Thủ Tướng có nhã ý mời Bố ra làm Bộ trưởng Y Tế , nhưng Bố đã tâm sự với bác rằng “ Đồng chí Nguyễn Tường Tam đã bị chúng bức tử , Anh và tôi … chỉ là 2 người … không thể trong sạch hóa 1 cơ chế lúc tay sai Vatican lúc tay sai Mỹ !”

Ra nước ngoài , khi miền Nam đứt phim , Bố luôn dặn chúng con phải cố học thật nhiều , thật cao nhưng phải dùng kiến thức thuận Đạo Làm Người , sống thanh bần , dạy dỗ con cháu về nguồn gốc , văn hóa và truyền thống Con Rồng Cháu Tiên để sau này chúng có thể đóng góp phần nào vào việc hưng phục quê cha đất tổ . 

Lời Bố dặn con nguyện khắc ghi trong lòng ; và thưa Bố , các cháu của Bố đều nói tiếng Việt rành rõi , về thăm quê nhà các cháu đã làm các cô , các em bên ngoại chúng giật mình vì nói tiếng Bắc 1954 một trăm phần trăm !

Vu Lan năm nay con cố moi óc viếc lại vài nét về Bố để lưu lại cho các cháu , chắc hẳn không khỏi thiếu sót đôi điều , con hy vọng anh Lựu và các em sẽ bổ túc sau .

21 năm rồi mà như ngày hôm qua … Kính dâng bố bài thơ của một cô em trong Đại Gia Đình Hưóng Đạo Việt Nam của con .

46 comments:

  1. Cảm ơn Kim Lệ đã cho anh dùng bài " Khóc Cha " làm nền cho entry này..

    KHÓC CHA
    Tác gỉa và diễn ngâm : Kim Lệ

    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=T2WwadL6wR



    Không thể nào con ngủ được đêm nay
    Trời sắp sáng sao con còn trăn trở
    Cha ơi! vì con biết trên đời nầy hiện tại
    Con đã mất cha rồi!

    Đêm nay, giữa thinh lặng
    Một mình con đối diện
    Tấm tình cha... ôi sao quá bao la
    Giờ nhận biết thì cha xa vời vợi
    Mãi không còn cha nữa ở trên đời
    Mãi không còn gọi nữa tiếng cha ơi!

    Vành tang trắng, chỉ một vành lụa mỏng
    Mang trên đầu sao nặng quá ngàn cân
    Dòng nước mắt cả ngày không thể khóc
    Giờ lại tuôn như dòng suối khôn vơi

    Đêm nay,
    cha nằm đó
    Mắt khép hoài vĩnh viễn
    Bao ưu tư cha bỏ lại giữa đời
    Bao yêu thương đâu còn nữa cha ơi!
    Bao trìu mến làm sao con tìm được

    Đêm nay,
    Những giọt lệ nến
    Sưởi vầng trán cao lạnh giá
    Và lệ con sưởi ấm linh hồn cha

    Đêm nay,
    Khóc cha bằng giọt lệ thầm
    Bắng muôn vạn nén hương trầm con dâng.

    ReplyDelete
  2. Hối tưởng về người thân đã xa tít tắp để viết nên entry chia sẻ cùng bạn bè, chắc anh cũng bùi ngùi lắm. Đó sẽ là những hình ảnh còn mãi trong lòng những người thân. Chia sẻ với anh nha.

    ReplyDelete
  3. chú còn lưu giữ được những hình ảnh của gia đình ngày xưa, thật là quý quá !

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn Hà . Anh không có khiếu viết văn , nhưng là thứ hai trong 9 anh em mà Anh Cả thì quá bận , lại không được khỏe , các em thì quá nhỏ khi cuộc đời của Bố gặp song gió nên không biết gì cả nên anh phải viết lại trước là lưu giữ cho con cháu , sau là chia sẻ vói đại gia đình Mul mà anh coi như ruột thịt.

    ReplyDelete
  5. Một lần di cư , một lần di tản ..... hình ảnh gia đình thất lạc tứ tung ... nay nhờ Internet anh em họ hàng post lên cho nhau ... còn nhiều nữa nằm đâu đó trong những thùng chưa lôi ra được để scan Hồng à.

    ReplyDelete

  6. Hình ảnh người cha đôi khi trầm lặng nhưng yêu thương con rất mực và âm ỉ anh nhỉ.

    ReplyDelete
  7. Bố anh ít nói nhưng Cụ biết hết mọi việc, mọi ý nghĩ của các con .. khi chúng anh làm đúng, Cụ chỉ mỉm cười, khi nào làm điều gì sai quấy thì Cự nghiêm mặt nhìn là tụi anh tự động ngưng ngay.

    Lúc anh còn nhỏ , biết anh thích cây cỏ , súc vật ... Cụ cho anh1 lô đất và 1 cái hồ non bộ để anh bắt chước Cụ trông hoa , nuôi cá đó.

    ReplyDelete
  8. Bài viết của anh cảm động quá ...
    Vu Lan người ta hay nhắc mẹ có lẽ vì câu chuyện Mục Liên Thanh Đề ..nhưng ngày Vu Lan là ngày nhắc ta nhớ đến công ơn cha mẹ anh CB nhỉ ? Kỷ niệm về cha mẹ theo ta đó chính là gia tài lớn ..Chúc anh mùa Vu Lan ấm áp .

    ReplyDelete
  9. Chuc bac mot mua Vu Lan Bao Hieu tran day hong an Tam Bao , than tam thuong lac & vo luong cat tuong .

    ReplyDelete
  10. Thưa chú, con xin thắp 1 nén nhang đến cụ. Con cũng rất nhớ Bố con khi mùa Vu Lan.

    ReplyDelete
  11. Những gì đã qua, vẫn tuyệt đẹp khi hồi tưởng phải không Bang Chủ!
    Chủ Nhật tươi hồng nhen!

    ReplyDelete
  12. Bác lưu giữ được những tấm hình chụp gia đình thật là quý.
    Những tư liệu về cuộc đời của ông gắn với thăng trầm của lịch sử nước nhà. Thật hào hùng, cũng thật đau thương, nhất là giai đoạn 1945 bác đã kể lại. :(

    ReplyDelete
  13. Cảm thông cùng anh muà Vu Lan thật đẹp.

    ReplyDelete
  14. Cám ơn chú đã chia sẻ để con thấm hạnh phúc con đang có là được bên cha mẹ mỗi ngày.

    ReplyDelete
  15. Anh viết rất cô đọng xúc tích, diễn tả được tất cả gian truân mà Bố anh CB phải đối phó khi tại chức. Nhưng sau này về vui thú điền viên với con hiền cháu thảo chắc Cụ cũng vui anh nhỉ ? Anh giữ được nhiều ảnh cũ hay quá !

    ReplyDelete
  16. Cảm ơn Gío. Anh không có khiếu viết như Em. Chỉ là ghi lại đôi điều về Bố để khỏi quên..... vì ngày càng trẻ ra đó mà.

    ReplyDelete
  17. Cảm ơn Tịnh Ngọc nhiều. Luôn an vui nha

    ReplyDelete
  18. Cảm ơn Mỹ Diên ghé đọc

    ReplyDelete
  19. Hà thật có ý ! Cẳm ơn nhiều !
    Chúng ta luôn nhớ công ơn cha mẹ , nhất là vào Mùa Vu Lan.

    ReplyDelete
  20. Cảm ơn Tử Đằng thí chủ. Đây chỉ là 1 phần "hành trình cuộc đời" của phụ thân. Nhiều kỳ niệm đẹp kèm với những ngậm ngùi thương cho Bố đã phải sống trong thời buổi của sâu bọ làm người từ Bắc chí Nam.

    ReplyDelete
  21. Chúc mừng Maimai . Hãy tận hưởng những ngày còn được kề cận cha me.

    ReplyDelete
  22. Cảm ơn Lan . Càng nghĩ càng buồn cho Bố đã ra hải ngoài để tìm hiểu về ngoại bang hầu đóng góp cho quê hương ; nhưng khi về quê thì cũng không chống lại được làn sóng vong nô thờ Nga Tàu Tây Mỹ !

    ReplyDelete
  23. Cảm ơn Andro ; khi biết mình không thể làm gì để thanh lộc hóa nhóm cầm quyền thì Cụ đã trở về cuộc sống nội tâm , an nhiên tự tại . Ngoài thú tiểu khiển chăm sóc mấy chậu lan và đàn gà ; Cụ hướng dẫn 9 anh chị em CB về Đạo Làm Người , sống theo lương tri , sẵn sàng vứt bỏ bằng cấp, địa vị , tiền bạc để bảo toàn danh dự họ Lê Hữu làng An Biên tỉnh Hải Phòng.

    ReplyDelete
  24. Anh nhớ rõ từng những kỉ niệm về bố !...chắc xưa anh yêu bố lắm !....Một mùa Vua Lan cho anh trọn đạo !

    ReplyDelete
  25. Chào Trưởng CB, em ngưỡng mộ Các Cụ và nề nếp gia đình mà Các Anh Chị truyền cho các cháu...
    Vậy là Anh em ta đồng hương Hải Phòng... Bố em người Hải Phòng Anh ạ... Đường Cát Dài...

    ReplyDelete
  26. Chúng ta ai chẳng yêu Bố Mẹ mình , hả Gío Nam . Anh nhớ khá nhiều vì có lẽ anh mang DNA cách mạng của Bố nhiều hơn Anh Cả và các em trong nhà và bị " ảnh hưởng " nhiều nhất vì những thăng trầm của Bố !!! ;>((((

    ReplyDelete
  27. Cảm ơn Minh !

    Ủa ! Vậy hả? Trước năm 1954 thì 3/4 Đường Cát Dài là của Ông nội anh. Căn Villa đầu đường (thời 1930) của Ông nội bị Pháp xung công / thuê làm Toà Án, Sau 1954 đến nay thì Nhà Nước lấy làm Sở Cảnh Sát Hải Phòng. Ông nội đã dọn về số 12 cùng đường ở ( khí đó xa lắm , ở tận cuối đường ) cho đến ngày Ông nội mất vào năm 1953, thì Bố Mẹ anh dùng làm nhà nghỉ mát. Nay căn 12 cũ là Ty Cảnh Sát ( quận gì anh quên mất rồi ).

    Đúng là quả đất tròn Minh nhỉ ? Không biết chừng anh em ta có liên hệ giây mơ rễ ma đó. Ông nội anh nguyên là Chánh án Hải Phòng cho đến ngày Cụ mất ngay trên bàn đọc báo sau bữa ăn trưa tai nhà vì tai biến mặch máu. .

    ReplyDelete
  28. Anh còn lưu giữ đầy đủ những khuôn hình cũ hay thật. Đẹp và quý giá vô cùng.
    Bố của anh thật vĩ đại. Một gia đình giữ nguyên nền nếp tốt đẹp xưa cũ mặc dù cuộc đời thay đổi không biết bao lần, thật đáng cho moi người ngưỡng mộ.

    ReplyDelete
  29. Còn nhiều nữa ...nhưng nằm trong thùng sách nào chưa lục ra được sau bao lần đổi chỗ ở vì làm dâu công việc ... khi nào rảnh sẽ tìm để scan lại cho con cháu, Yến à.

    Cảm ơn Yến. Bố anh là người ít nói , khoan dung nhưng rất cương nghị và quyết tâm , luôn giữ cưong thường dù sanh ra trong nhung lụa , lớn lên dù cuộc đời thăng trầm , cơ hàn ... thà sống thanh bần chứ không thay đổi , luôn được họ hàng nội ngoại mến mộ. Mấy anh em CB không ai bén gót !

    ReplyDelete
  30. Lần đầu tiên em được nghe Vu Lan nhớ Bố, anh kể thật kỷ qua bao nhiêu sự thay đổi, gia đình vẫn giữ được nền nếp, trên dưới có trước có sau đáng để mọi người ngưỡng mộ

    ReplyDelete
  31. Anh có trí nhớ thật tốt, anh viết súc tích và rất tình cảm khiến cho ai đọc cũng có thể hình dung chặng đường dài mà cụ bước qua cùng những lời răn dạy bổ ích cụ để lại cho con cháu. Có thêm lời ngâm thơ nên nghe càng da diết.

    ReplyDelete
  32. Vu Lan Bồn là Mùa Báo Hiếu đối với song thân cùng cửu huyền thất tổ , nhưng vì theo phong hóa VN mình thì nũ sinh ngoại tộc nên người vợ thường là người vun sới chăm lo giang san nhà chồng và do đó thường được nhắc tới nhiều hơn nhân Mùa Báo Hiếu ;>))) và có lẽ cũng do khi xưa dân mình theo Mẫu Hệ chăng ?

    Tuy nhiên vì Bố anh mãn phần vào đúng Ràm Tháng Bảy nên Vu Lan về thì anh thưòng nhớ tới Bố .

    Cảm nơ Mỹ Nhơn quá khen. Gia đình anh có lẽ hơi "cổ" vì cả Ông nội lẫn Ông ngoại đều là hàng Tam Phẩm nên dù đã cho Bố Mẹ theo Tây học nhưng vẫn giữ nề nếp Việt Nho Mỵ Nhơn à.

    Dù anh từng dạy Anh và Pháp văn nhưng trong giao thiệp hằng ngày với người Việt mình, anh không bao giờ dùng 1 tiếng ngoại ngữ vì đối với anh tiếng Việt mình rất phong phú và tuyệt đẹp.

    ReplyDelete
  33. Cảm ơn Lặng Yên !
    Đúng ra còn nhiều " sự kiện nhạy cảm " trong thời gian Việt Minh cướp chính quyền , đấu tố địa chủ, quan chức và trí thức mà anh nghĩ chưa đến lúc chia sẻ công khai ... tạm thời chỉ ghi vào gia phả thôi.

    ReplyDelete
  34. Entry này như những thước phim quay chậm, đủ để cùng anh chia sẻ về một nhân cách lớn, thấu đáo và sinh động.
    Anh CB à, chúng ta không phải là nhà văn, cũng chưa dám nhận mình là thi sĩ nhưng chúng ta có những tấm lòng, rồi cứ vậy mà nối những vòng tay lớn.
    Có lẽ ở nơi xa xăm nào đó, các bậc sinh thành cũng tự hào có những thế hệ con cháu biết làm người.
    Rất hy vọng tiếp tục được đọc những entries khác của anh CB.

    ReplyDelete
  35. Cảm ơn CM quá khen …..
    Ý CB muốn nhờ các bạn Văn Khoa diểm giáo mà ai cũng nhẹ tay …… còn khen tặng mà chẳng giúp sửa câu nào .
    Làm sao CB viết khá được ? ;>)(((((

    ReplyDelete
  36. út ghé thăm CB. Xin chia sẻ những cảm xúc da diết với CB nhân mùa Vu Lan này.

    ReplyDelete